10 tháng 3, 2012

FESTIVAL GỐM SỨ VIỆT NAM LỚN NHẤT VIỆT NAM TẠI MỸ


Triển lãm gốm sứ Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay tại Mỹ mở cửa tháng 1-2012 tại Bảo tàng Mỹ thuật Birmingham (BMA), để công chúng chiêm ngưỡng một trong ba bộ sưu tập gốm sứ đẹp nhất Việt Nam.

Gốm sứ Việt Nam đến từ BMA là triển lãm lớn về gốm sứ Việt Nam đầu tiên tại Hoa Kỳ. Triển lãm này được Tiến sĩ Donald A. Wood, người chuyên trách Mỹ thuật châu Á của Bảo tàng Mỹ thuật Birmingham, và John Stevenson, một trong những chuyên gia xuất sắc trong lĩnh vực này đồng chủ trì. Triển lãm này  được tổ chức tại Phòng tranh Jemison của Bảo tàng và được trưng bày từ 22-1-đến 8-4-2012. Triển lãm này miễn phí và mở cửa đón công chúng.


Donald Wood nói: "Đây là một cơ hội để khám phá những tác phẩm mỹ thuật đẹp hiếm thấy ở Mỹ. Đây cũng là một cơ hội để khám phá lịch sử phong phú của một đất nước không chỉ đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử đương đại của Mỹ mà còn là một phần quan trọng trong tương lai của chúng ta." Thông qua việc mua bán hợp lý và sự quyên góp hào phóng, qua nhiều thập kỷ nay, BMA đã mua được một trong những bộ sưu tập gốm sứ Việt Nam tuyệt vời nhất bên cạnh những bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Boston và Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan thành phố New York.
Toàn bộ bộ sưu tập của BMA với hơn 200 tác phẩm gốm sứ Việt Nam sẽ được trưng bày. Bộ sưu tập này được minh họa đầy đủ trong cuốn sách giới thiệu cùng với những bài tiểu luận quan trọng của John Stevenson, Donald Wood và Philippe Trường, một chuyên gia độc lập về gốm sứ Việt Nam. Sách giới thiệu được Đại học Báo chí Washington xuất bản và phân phối.

"Hầu như không có ấn phẩm tiếng Anh nào viết về gốm sứ Việt Nam," Donald Wood nói. Cuốn sách này còn chứa những kiến thức uyên bác nhất hiện nay về đề tài này của các chuyên gia có uy tín nhất trong lĩnh vực này."
Là triển lãm quy mô lớn lần đầu tiên của gốm sứ Việt Nam tại Mỹ, "triển lãm này còn là triển lãm đầu tiên để khám phá lịch sử hấp dẫn và đa dạng của gốm sứ Việt Nam tại Mỹ,” Donald Wood nói. "Bộ sưu tập của chúng tôi rất phong phú về gốm sứ xuất khẩu của Việt Nam vào thế kỷ 15 và 16 phỏng theo gốm sứ màu lam tuyệt đẹp tại các lò nung ở Cảnh Đức Trấn (Jingdezhen), Trung Quốc, chuyên làm đồ sứ cho các triều vua. Bộ sưu tập này cũng có thế mạnh đặc biệt về gốm sứ Việt Nam được sản xuất để dùng trong nước và không bao giờ xuất khẩu. Bộ sưu tập này trải dài qua 2000 năm lịch sử gốm sứ Việt Nam.”
Bên cạnh việc trưng bày bộ sưu tập xuất sắc các tác phẩm của Việt Nam, triển lãm còn mang John Stevenson, "một trong các học giả hàng đầu và là người am hiểu trong lĩnh vực này", đến với Bảo tàng Mỹ thuật Birmingham, Donald Wood nói. "Anh ấy được biết đến và tôn trọng không chỉ ở Mỹ mà ở mọi nơi trên thế giới bởi các nghiên cứu tiên phong của mình trong một lĩnh vực chưa được đánh giá đầy đủ.”

Lịch sử gốm sứ Việt Nam tại Bảo tàng Mỹ thuật Birmingham
Ngay từ những năm 1970, các thành viên của Hiệp hội Mỹ thuật Châu Á tại BMA đã nhận ra vẻ đẹp của gốm sứ Việt Nam cũng như tiềm năng để tạo ra một bộ sưu tập có ý nghĩa trong một lĩnh vực ít được biết đến và bị đánh giá thấp. Sau khi thu thập được bộ sưu tập nòng cốt gồm các đồ gốm sứ lam xuất khẩu trong thế kỷ 15 và 16, BMA đã dựa vào sự hỗ trợ của Hiệp hội Mỹ thuật Châu Á, mua nhiều đồ gốm sứ xuất khẩu tại cuộc đấu giá quốc tế rất phong phú về đồ gốm sứ vớt từ xác tàu đắm mà từ năm 2000 đến nay đã tạo ra một cuộc cách mạng cho những nghiên cứu về gốm sứ Đông Nam Á.
Năm 2010, bộ sưu tập gốm sứ Việt Nam của ông William M. Spencer III, một nhà bảo trợ lâu năm của Bảo tàng và là thành viên sáng lập của Hiệp hội Mỹ thuật Châu Á, được quyên cho Bảo tàng. Món quà này đã tăng mạnh số lượng nắm giữ của BMA đối với đồ gốm sứ Việt Nam được làm ra để sử dụng trong nước và không bao giờ được xuất khẩu, một lĩnh vực bị bỏ quên và rất khó khăn trong việc tìm các tư liệu. Điều này, cùng với việc tiếp tục mua sắm hợp lý những tác phẩm xuất sắc trong những năm qua, đã cho ra đời một bộ sưu tập tuyệt vời với nhiều tác phẩm đẹp, còn nguyên vẹn và là những tác phẩm có một không hai.
Donald Wood khẳng định: "Đây là một bộ sưu tập được phát triển với sự quan tâm và giúp đỡ của cộng đồng. Nó là một bộ sưu tập mà người dân Birmingham có thể lấy làm tự hào."

Lịch sử phía sau nghệ thuật
Vào các thập niên 1960 và 1970, số phận của Việt Nam và Hoa Kỳ gắn chặt vào nhau bởi một cuộc chiến tranh làm thay đổi sâu sắc cách người Mỹ nhìn nhận Việt Nam. Rất ít người Mỹ biết về lịch sử văn hiến độc đáo hàng ngàn năm của Việt Nam. Trong khi người Việt Nam bảo vệ nền độc lập của mình chống lại những kẻ thù hùng mạnh qua nhiều thế kỷ, họ đã phát triển những truyền thống văn hóa rất có bề dày và rất tinh tế, trong đó có gốm sứ, tạo thành một bộ phận cực kỳ quan trọng trong bản sắc nghệ thuật của đất nước này.
Trong khi nhiều tác phẩm mỹ thuật đang ở trong tình trạng tồi tệ tại Việt Nam - nạn nhân của thời gian, khí hậu, hoặc chiến tranh - đồ gốm sứ vẫn tồn tại dưới dạng vật chất trong ký ức lịch sử của Việt Nam. Cùng với văn học, thi ca và âm nhạc, gốm sứ là một trong những biểu hiện quan trọng nhất trong di sản văn hóa của Việt Nam trải qua nhiều thế kỷ.
Nguồn: www.vietnam.vn

1 nhận xét: